Wabi Sabi: Triết lý sống và không gian cho người tìm sự tĩnh lại
Ứng dụng Wabi Sabi trong thiết kế nội thất không chỉ là quá trình tạo nên một không gian thẩm mỹ tinh tế và sang trọng, mà còn là hành trình tìm lại sự tĩnh lặng để bồi đắp cho cuộc sống đủ đầy.
Cái đẹp của thời gian
Wabi Sabi là một triết lý sống bắt nguồn từ Phật giáo, kết hợp giữa hai khái niệm độc lập nhưng có sự tương quan. Wabi hướng đến việc cảm nhận niềm vui trong những điều giản đơn trong cuộc sống, trong khi Sabi đề cao vẻ đẹp của sự vật đặt trong sự trôi đi của thời gian. Hai tinh thần ấy khi kết hợp với nhau tạo nên triết lý về sự trân trọng mọi thứ theo cách chúng tồn tại, thay vì liên tục đòi hỏi những điều lớn lao và đẹp đẽ hơn.
Một chiếc bình với những vết nứt nhỏ, một mảnh vải phai màu, một khoảng tường có vài vết xước. Đó là những vết tích mà thời gian để lại, mang trong mình câu chuyện riêng dưới những hình hài độc nhất. Đi ngược lại với quan điểm thẩm mỹ thông thường về sự nguyên vẹn tuyệt đối, Wabi Sabi tôn vinh những “dấu vết” không hoàn hảo ấy và hàm ý rằng cái hồn đáng trân quý của mọi vật nằm trong chính cách mà chúng tàn phai.
Trong vòng vận động không ngừng của xã hội, con người bị thôi thúc phải theo đuổi những chuẩn mực hoàn hảo như một cách để khẳng định bản thân. Khi người ta mua sắm không ngừng để khỏa lấp nhu cầu được làm đầy cuộc sống, vứt bỏ những đồ dùng vẫn còn giá trị sử dụng bởi chúng đã “cũ” và không còn thời thượng, thì triết lý Wabi Sabi như một lời nhắc về sự chậm lại để trân trọng những gì mình đang có. Thực hành lối sống ứng dụng triết lý Wabi Sabi đặt con người đối diện với sự thật rằng không có gì là hoàn hảo mãi mãi, để rồi tìm thấy cái đẹp và niềm hạnh phúc trong quá trình mọi vật đổi thay.
Wabi Sabi và thẩm mỹ trong không gian sống
Đối ngược với phong cách kịch tính và khoa trương, thẩm mỹ Wabi Sabi là sự pha trộn của tính đơn giản, tinh tế và sang trọng. Có nhiều điểm tương đồng với phong cách tối giản (Minimalism), Wabi Sabi cũng được nhiều người yêu thích bởi tạo nên một không gian sống có tính bền vững, giá trị sử dụng cao mà không quá tốn kém.
Tôn trọng tính nguyên bản là yếu tố cốt lõi trong Wabi Sabi. Thay vì vẻ ngoài bóng bẩy và hoàn hảo, yếu tố độc đáo và lịch sử bên trong một món đồ được quan tâm hơn cả. Với tư tưởng ấy, các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, da,… được ưu tiên sử dụng bởi chúng bền đẹp và để lại vẻ “hoài cổ” đặc trưng theo thời gian. Tuy nhiên, cùng một kiểu vật liệu, người ta cũng có vô số các lựa chọn với đặc điểm, hình dạng và chất lượng khác nhau. Chọn sao cho vừa đảm bảo độ bền, vừa có tính thẩm mỹ với không gian và phù hợp với ngân sách cũng là một thử thách với người thiết kế.
Các sản phẩm thủ công cũng xuất hiện phổ biến trong những không gian mang hơi hướng Wabi Sabi. Dù không mang hình dáng hoàn hảo nhờ máy móc, chúng vẫn có sức hút từ sự “nguệch ngoạc” có một không hai. Một chiếc bát gốm nặn bằng tay có thể không tròn trịa như bát được sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, sự không-hoàn-hảo ấy ở đây lại nghiễm nhiên trở thành phương tiện để thể hiện gu thẩm mỹ và lối sống của người sở hữu.
Bên cạnh đó, để khơi gợi sự kết nối với những giá trị bền vững của tự nhiên, khi chọn màu sắc cho không gian, người ta thường tìm đến những gam màu lấy cảm hứng từ thiên nhiên như nâu, xám, xanh, trắng, kem. Bảng màu trung tính vừa khiến không gian lắng đọng và dễ chịu, vừa làm nên một tổng thể hài hòa với những chi tiết nội thất mang dấu ấn thời gian.
Tạo nên một căn phòng “đẹp” không phải một điều quá khó, nhưng để không gian có “hồn”, nơi mọi đồ vật và sắc màu đều có ý nghĩa lại là thử thách đòi hỏi người ta khám phá triết lý sâu xa đằng sau một phong cách thẩm mỹ. Với Wabi Sabi, cái đẹp không chỉ nằm trong vẻ giản đơn mộc mạc mà là sự tĩnh lặng thâm sâu, cho người ta sự chú tâm để cảm nhận thế giới một cách đơn thuần và thật thà nhất.
cafef.vn