Được đánh giá là thành phần cơ bản, trong thực tế, nội thất của Không gian ngầm có những nét tương đồng, lại cũng khác biệt so với công trình trên mặt đất. Chịu tác động rất lớn bởi tính Ẩn dấu và Cách ly – 2 trong số những đặc tính quan trọng của công trình nằm trong lòng đất, tổ chức nội thất không gian ngầm dân dụng cần được xử lý thích ứng nhằm phát huy cao nhất các ưu điểm, khắc chế nhược điểm trong quá trình hình thành, sử dụng.
Nội thất với đặc điểm ngầm của không gian
Không gian ngầm (KGN), nhìn chung bị đánh giá là “phần lớn không thể nhìn thấy, một công trình dưới lòng đất có thể thiếu một hình ảnh riêng biệt” (Parag Govardhan Narkhede và Ms. Vibhuti Nande, 2010). Chính vì thế, nội thất là phương tiện duy nhất để bố trí, tạo hình, trang trí không gian ngầm. Nội thất là thành phần quan trọng để tạo nên chất lượng, vẻ đẹp của KGN, cũng là yếu tố kiến trúc tự do nhất trong việc tổ chức không gian (dưới/ngầm) và được các nhà nghiên cứu thiết kế rất coi trọng. Trong chương 1 cuốn “Tổ chức khai thác KGN”, GSTS Nguyễn Văn Quảng và TS Nguyễn Đức Nguôn cũng điểm qua các công trình nghiên cứu về KGN của một số tác giả trên thế giới và nhấn mạnh “Về bản chất, các tác giả miêu tả quần thể kiến trúc KGN có xét đến công năng và hình dáng kiến trúc kết hợp với các giải pháp kết cấu của công trình ngầm. Trong đó, các tác giả cho rằng, quan điểm chủ đạo trong kiến trúc ngầm là kiến trúc nội thất”. Hai nhà nghiên cứu cũng cho rằng “Nội thất đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra công trình ngầm và giải quyết các bài toán xây dựng kiến trúc và công nghệ”
Nội thất trong Không gian ngầm dân dụng (KGNDD) được hiểu là bao gồm tất cả các khía cạnh của môi trường bên trong của một công trình ngầm. Trên thực tế, về hình thức nó không khác so với phần lõi các công trình đa lớp khối tích lớn, lấy ví dụ sảnh thông tầng hoặc hành lang giữa 2 dãy cửa hàng của trung tâm thương mại trên và dưới mặt đất.
Tuy nhiên, khi kết hợp với “đặc tính ngầm”, các thuộc tính nội tại của KGN công trình kiến trúc sẽ tác động không tốt tới cảm xúc của người sử dụng, buộc nội thất KGN phải được xử lý bằng cách riêng, nhằm giải tỏa tâm lý “đi xuống lòng đất”. Trong nghiên cứu không gian, người ta xếp nó vào mô hình “không cửa sổ” (windowless – chỉ 1 không gian bị cách ly, không kết nối với thế giới tự nhiên về ánh sáng, tiếng động, nhiệt độ và cảnh quan… Nó có thể là một căn phòng, sảnh, hành lang nằm trong lõi công trình mà bao quanh là các mảng tường hay phòng khác; các công trình mà tường bao bị bít kín hoặc xung quanh chỉ tiếp giáp với công trình khác trên hoặc dưới mặt đất).
Xử lý không gian nội thất ngầm phải nhắm đến: Góp phần xóa tan sự e ngại về “ngầm” vốn bị gán cho tính chất bức bối, u tối, lạnh lẽo; giúp định hướng không gian cả lúc bình thường lẫn khi phải thoát ra khẩn cấp. Xử lý nội thất một KGN được gọi thành công là khi nó mang lại cảm giác thoải mái, tự nhiên như ở trên mặt đất hoặc tạo ra nét cá tính riêng độc đáo, nhắm tới mục tiêu cao hơn nữa là kích thích trí tò mò muốn khám phá 1 dạng không gian mới lạ của người sử dụng.
Camody và Sterling cũng chỉ ra các yêu cầu về nội thất KGN, bao gồm:
- “Tạo một môi trường kích thích bên trong công trình để bù đắp cho sự vắng mặt của các cửa sổ. Môi trường nên được thay đổi, tích hợp và cân bằng để tránh hưng phấn cũng như trầm cảm quá;
- Cung cấp kết nối với thế giới tự nhiên;
- Tạo ra một cảm giác rộng rãi;
- Tạo ra một cảm giác ấm áp để xóa bớt các liên tưởng về môi trường lạnh, ẩm ướt dưới lòng đất;
- Cung cấp không khí trong lành và nhiệt độ dễ chịu;
- Sử dụng các yếu tố nội thất được cảm nhận là chất lượng cao để bù đắp cho liên tưởng “phải ở dưới mặt đất” thấp kém về địa vị;
- Cung cấp một hệ thống các dấu hiệu rõ ràng, hấp dẫn và bản đồ (nếu cần) giúp định hướng dễ dàng…”
Tổ chức nội thất không gian ngầm dân dụng
Do đặc tính ẩn dấu và cách ly, thiết kế bắt buộc phải tập trung vào các vấn đề bên trong công trình để tạo ra một Không gian phục vụ hoạt động của con người – đa dạng và thú vị. Những nghiên cứu trong môi trường đóng kín cho thấy của độ ẩm, nhiệt độ, độ ồn, ánh sáng và mầu sắc …tác động tới con người rất mạnh mẽ. Vì vậy, công tác thiết kế phải được cân nhắc để triệt tiêu những bất lợi, tận dụng được lợi thế cách ly của không gian (thiếu ánh sáng tự nhiên nhưng dễ kiểm soát môi trường) bằng cách kết hợp giữa ý đồ thiết kế với sử dụng vật liệu, âm thanh, ánh sáng và các yếu tố trang trí nội thất khác nhằm hướng tới cảm giác tiện dụng, thân thiện cho người sử dụng.
1) Tiêu chí và phong cách tổ chức nội thất
Nội thất phải phản ánh và phù hợp với tính chất, công năng của không gian. Trên mặt đất, mỗi thể loại công trình sẽ có cách bố trí, bài trí nội thất khác nhau tương thích với chức năng. KGNDD cũng vậy, nhưng phải ở mức cao hơn vì không gian bị giới hạn và hình ảnh công trình không dễ nhận biết từ hình khối như bình thường. Trong một tổ hợp Ngầm dân dụng đa chức năng, việc phối hợp giữa phong cách thiết kế chung và phong cách mỗi không gian chức năng riêng đòi hỏi phải được xử lý tinh tế hơn nhiều. Mặt khác, tuy cách biệt nhưng nội thất KGNDD cũng cần phản ánh tính thời đại.
Cần hướng tới thiết kế KGNDD năng động và đầy sức sống. Nên tận dụng đầy đủ các yếu tố khác nhau của cấu trúc, cấp độ sàn, dạng mở mái.. của công trình để mang đến ấn tượng một không gian năng động. Sức sống của KGNDD chủ yếu dựa trên việc tạo ra môi trường hoạt động của con người với sự hình thành không gian lý tưởng “Người xem người”. Điều này được phản ánh bằng những luồng lưu thông bên trong và bên ngoài; mối kết nối, trình tự liên kết mỗi không gian chức năng và không gian trung tâm.
Đồng thời, nội thất KGNDD phải phản ánh bản sắc văn hóa của đô thị. Tuy cách biệt với mặt đất nhưng KGNDD không tách rời khung cảnh chung mà phản ánh bối cảnh và đặc điểm văn hóa bản địa. Điều này mang lại sự thân thuộc cho người dân địa phương cũng như mang lại vẻ hấp dẫn độc đáo cho du khách phương xa. Mặt khác, nó giúp người ta củng cố ý thức về phương hướng, nơi chốn khi sinh hoạt bên trong KGN.
Cuối cùng, phong cách tổ chức không gian nội thất không nên quá cứng nhắc. Ví dụ, đành rằng nên hướng tới môi trường tự nhiên nhưng không phải lúc nào cảm giác như mặt đất cũng tốt. Đôi khi, cần thể hiện rõ sự khác biệt, nhấn mạnh các yếu tố bí ẩn của không gian dưới lòng đất. Lấy sự “đi xuống lòng đất” làm yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn người sử dụng khám phá, trải nghiệm một dạng môi trường đặc biệt này.
2) Sử dụng vật liệu
Hoàn thiện và trang trí thành phần bao che không cần sử dụng vật liệu chịu mưa nắng như trên mặt đất, mà nên hướng tới các loại vật liệu chống hỏa hoạn (cháy lửa hoặc sinh khói độc). Có thể sử dụng vật liệu gốc khoáng hoặc kim loại, kính có tính trơ. Thành phần sử dụng trực tiếp như đồ đạc, giá kệ thoải mái hơn nhưng nên sử dụng vật liệu tự nhiên hoặc gợi nhớ tự nhiên như gỗ, đá, mây tre, sắt hàn…
3) Ánh sáng và màu sắc
Sáng – tối, tác động của thị giác mang đến cảm giác mạnh mẽ nhất về một không gian. Phải tận dụng mọi cơ hội để chiếu sáng tự nhiên thông qua cửa trần, tán xạ qua cầu thang, giếng thông tầng. Sử dụng chiếu sáng đa dạng nhằm mang lại vẻ hấp dẫn cho không gian nhưng cần chú trọng việc bố trí ánh sáng chủ đạo tỏa từ trên xuống nhằm mang lại cảm giác thân thuộc của ánh sáng mặt trời. Có thể bố trí đèn hắt từ tường, trần mô phỏng ánh sáng chiếu qua cửa sổ. Rất nên áp dụng cách chuyển cường độ và màu ánh sáng tương ứng với thời gian ngày đêm. Dùng ánh sáng mạnh, bố trí độc đáo để nhấn mạnh các không gian chính. Cần có ý thức sử dụng đèn trần của không gian giao thông ngang như một yếu tố dẫn hướng.
Màu sắc chung cần tạo cảm giác rộng rãi thoáng đãng nhưng không được lạnh lẽo, ví dụ màu thành phần bao che sắc độ lạnh, quang độ cao, cường độ thấp và đồ đạc ngược lại, dùng màu ấm, tối và rực rỡ. Cần chú ý tới việc phối màu các mảng tường, trần để cân đối lại kích thước không gian bằng các thủ pháp ảo thị giác (trần màu sáng, sàn màu sẫm để tăng chiều cao; kéo tường ở xa lại gần bằng màu nóng và ngược lại…).
Rất nên sử dụng các gam màu như một quy ước để định hướng không gian, ví dụ màu chủ đạo của trần, bảng thông báo, vạch kẻ trên sàn và tường chuyển dần từ màu Nâu sang Vàng theo hướng Bắc-Nam; Xanh nước biển sang Xanh lá cây theo hướng Đông Tây…
4) Trang trí
Các thành phần trang trí mang lại sự ấm áp, cảm giác rộng rãi và khả năng định hướng trong KGNDD. Nội thất của không gian dưới lòng đất có thể sử dụng phù điêu, tranh hoành tráng và phương tiện nghệ thuật khác để nâng cao hiệu quả thẩm mỹ. Trong môi trường đóng kín, sự tập trung của con người hướng cả vào bên trong với tầm nhìn rất gần. Do đó, các chi tiết trang trí đòi hỏi phải được xử lý tinh tế, chú ý tiểu tiết hơn nhưng lại không được rắc rối. Nên hướng tới tính định hướng, dẫn dắt hoặc tạo chiều sâu không gian bằng cách áp dụng luật xa gần, tạo lớp lang, nhấn chính phụ.
Đặc biệt, trong lý thuyết trang trí nội thất, cây hoa và tiểu cảnh chỉ là một thành phần trang trí, nhưng tính chất KGNDD, với yêu cầu không gian gắn bó với thiên nhiên chúng lại có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều. “Tôn trọng thiên nhiên, mô phỏng tự nhiên” thể hiện sự cộng sinh của con người với thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên mang lại hiệu quả lớn lao trong không gian nhân tạo dưới lòng đất. Hai yếu tố cây xanh và các tổ chức nước thường được liên kết với nhau để tạo ra một môi trường hài hòa, thoải mái và tự nhiên.
– Cây xanh, là một biểu tượng của cuộc sống. Bố trí chúng trong KGNDD không chỉ giúp con người liên tưởng tới môi trường tự nhiên trên mặt đất mà còn là biện pháp ngăn chia, giới hạn tầm nhìn. Cây xanh cũng có tính năng cách âm, hút bụi và điều hòa không khí. Có thể bố trí cây hoa tại bất cứ đâu, trên mặt đất, gờ tường hoặc treo trên cao. Cũng nên phối các loại cây theo mảng, theo cụm kết hợp với vật liệu đá tảng, gỗ thô, sỏi cuội… để tạo điểm nhấn cho không gian nút giao thông, điểm nghỉ chân.Thực tế cũng cho thấy việc thay đổi cây, hoa theo mùa vụ trong KGNDD đạt hiệu ứng cao về tâm lý, giúp gia tăng chất lượng môi trường và củng cố mối liên hệ với mặt đất.
– Nước, với tính cách tĩnh hoặc động và tính phản xạ cảnh vật, biến đổi ánh sáng, có thể sinh ra một loạt các hiệu ứng nghệ thuật quyến rũ, điều hòa nhiệt và thanh lọc không khí. Kể cả lặng lẽ vô hình nhưng chỉ tiếng động của nước cũng khơi gợi cho con người nhiều cảm xúc. Xử lý yếu tố nước nhân tạo một cách độc đáo sẽ tác động không nhỏ tới môi trường, giúp gia tăng sự gắn kết và tạo nên không khí thú vị hấp dẫn trong KGNDD. Có thể thiết lập các dạng nước theo hiệu ứng mong muốn: tạo không khí ồn ào sôi động hoặc gây chú ý bằng thác, vòi phun; tĩnh lặng thư giãn bằng mặt nước phẳng lặng hoặc máng tràn nhỏ giọt; tạo sự bí ẩn bằng dòng chảy, tạo sương mù…
Rất nên phối hợp các thành phần trang trí để nhấn mạnh hay đánh dấu địa điểm, tạo ra những không gian đầy hương vị tự nhiên và đầy sức sống để thu hút mọi nán lại nghỉ ngơi, chờ đợi nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Parag Govardhan Narkhede & Ms. Vibhuti Nande (2010), “Study Of Psychological Impact of Underground Habitable Structure on its users”, ARCHITECTURE – Time Space & PeopleJuly 2010
[2] Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Đức Nguồn (2006), “Tổ chức khai thác Không gian ngầm KGN”, NXB Xây Dựng, HN
[3] Raymond Sterling & John Carmody (1993) “Underground Space Design”, New York, Van Nostrand Reinhold Publishing Company
TS.KTS Nguyễn Tuấn Hải
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6/2017)