Thiết kế nội thất bền vững cân nhắc các yếu tố chính như lựa chọn vật liệu, sử dụng năng lượng nhằm đảm bảo môi trường vi khí hậu trong nhà và sức khỏe người sử dụng.Vật liệu nội thất bền vững tác động tích cực đến tiện nghi nhiệt, chất lượng không khí, độ ẩm… trong đó chất lượng môi trường trong nhà có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người ở.
Dù lợi ích của thiết kế nội thất bền vững là rất rõ ràng, tuy nhiên trên thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng ưu tiên lựa chọn vật liệu bền vững, do đó lựa chọn vật liệu phụ thuộc vào yêu cầu của nhà đầu tư, thẩm mỹ, giá thành hơn là yếu tố môi trường. Một vấn đề quan trọng khác là giá thành vật liệu xanh hay thân thiện môi trường thường cao hơn so với vật liệu thông thường. Và nhà đầu tư chỉ sẵn sàng chấp nhận giá thành cao hơn cho các sản phẩm nội thất có chất lượng tốt hơn. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), có rất nhiều nguy cơ tiểm ẩn của các vật liệu sử dụng trong nội thất, gây ô nhiễm không khí trong nhà, gây hại cho con người. Hiện nay trên thị trường hầu hết các loại vật liệu này không được kiểm tra mức độ an toàn về phát thải khí độc hại. Trung bình con ngườidành từ 80 đến 90% thời gian trong nhà, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp hai đến năm lần ngoài nhà. Ô nhiễm không khí trong nhà liên quan đến các bệnh như ung thư, bệnh về tim mạch và đường hô hấp. Nhiều tổ chức trên thế giới đã chỉ ra 374 vật liệu liên quan đến bệnh hen suyễn, 75 loại được tìm thấy trong sơn.
Chất lượng môi trường trong nhà gồm các yếu tố tương tác như chất lượng không khí trong nhà (IAQ), chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo, tiện nghi nhiệt. Tại các quốc gia chú trọng đến phát triển bền vững, đối với lĩnh vực nội thất có những cơ quan tổ chức đánh giá các tiêu chí về khí phát thải và thành phần chất độc hại, chỉ những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng sẽ được cấp chứng chỉ, và được lưu hành trên thị trường. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng quy trình chặt chẽ để giám sát chất lượng không khí trong nhà thì cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cả tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về không khí trong nhà.
Các yếu tố bền vững khác được cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm nội thất bền vững như: Phân tích đánh giá nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm (LCA), sử dụng vật liệu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc có khả năng tái tạo và năng lượng tự thân thấp,sử dụng vật liệu có khả năng tái chế, thân thiện với môi trường, vật liệu thô, vật liệu địa phương nhằm giảm thiểu chi phí, năng lượng hóa thạch cho sản xuất và vận chuyển…Trên thế giới có nhiều tổ chức đã nghiên cứu đưa ra bảng dữ liệu về các vật liệu an toàn cho KTS và nhà thiết kế, bao gồm các đặc tính vật liệu và những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình sử dụng hoặc khi phá hủy. Ngoài ra, còn có những bảng cơ dữ liệu dạng ma trận phân tích các yếu tố bền vững về môi trường (năng lượng tự thân), kinh tế (giá thành, tính kinh tế), và xã hội (tiện nghi nhiệt, chất lượng về độ bền, khả năng thi công nhanh)… Trên cơ sở đó, KTS sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho công trình dựa trên các yếu tố môi trường, thẩm mỹ, công năng… Ở Việt Nam chưa có tổ chức nào có thể phân tích giữa các yếu tố bền vững nêu trên đồng thời cân bằng với những vấn đề về thiết kế như giá thành, độ bền, thẩm mỹ kiến trúc, để đưa ra định hướng, hướng dẫn về lựa chọn vật liệu tối ưu cân bằng giữa nhiều yếu tố cho các nhà thiết kế nội thất. Khi thiết kế bền vững được chú ý nhiều hơn trong cộng đồng, các sản phẩm nội thất xanh cũng phát triển những bước đầu tiên. Tuy nhiên phát triển sản phẩm xanh nằm trong các chiến lược quảng cáo của các công ty vì mục đích thương mại, họ cố gắng thuyết phục khách hàng sản phẩm của họ “xanh” nhưng thực tế không hẳn như vậy. Chưa có một cơ quan hay tổ chức nào kiểm tra hay chứng thực các chỉ tiêu “xanh” của vật liệu nhà sản xuất đưa ra.
Đối với vấn đề tiêu thụ năng lượng trong thiết kế nội thất cần có giải pháp tổng thể vì năng lượng liên quan đến nhiều yếu tốnhư chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo, nhiệt độ, tiện nghi nhiệt, độ ẩm, năng lượng tiêu thụ để làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông, chất lượng môi trường trong nhà… Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn tòa nhà hiệu quả năng lượng (EEBC) liên quan đến tiết kiệm năng lượng, tiện nghi nhiệt, chiếu sáng trong nhà, lớp vỏ công trình hiệu quả. Để đưa quy chuẩn vào thực tiễn vẫn cần phải có một bộ công cụ, phần mềm mô phỏng tính toán dựa trên hài hòa đồng thời các yếu tố bền vững để đưa ra giải pháp tối ưucho từng không gian nội thất riêng biệt hay toàn bộ công trình. Hiện nay các đơn vị thiết kế trong nước thường sử dụng các phầm mềm tính toán thiết kế bền vững của nước ngoài như Ecotech, Equest, IES… Nhưng cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các tiêu chuẩn liên quan đến các đến các tiêu chí thiết kế nội thất bền vững cho Việt Nam.
Thiết kế nội thất bền vững là hướng đi đúng, các nước phát triển đã đi tiên phong trong lĩnh vực này về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Dựa trên nền tảng phát triển của những nước đi trước, cần phải có những nghiên cứu áp dụng thực tiễn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chúng ta đang thiếu một công cụ tham khảo cho các nhà thiết kế nội thất, nhằm tiêu chuẩn hóa những tiêu chí trong thiết kế nội thất bền vững, ví dụ như công cụ đánh giá thiết kế nội thất bền vững tương tự như hệ thống đánh giá công trình xanh của các một số nước trên thế giới, ở Việt Nam hiện nay là hệ thống đánh giá công trình xanh Lotus. Đây là một lộ trình dài. Việc bắt đầu xây dựng những công cụ đơn giản nhất sau đó chỉnh sửa theo thực tiễn là cách mà các quốc gia đang phát triển tương tự như Việt Nam đã làm và đã có những thành công bước đầu. Chúng ta cũng đang thiếu những tài liệu hướng dẫn cho những nhà đầu tư, những người đóng vai trò quyết định trong các dự án nội thất thấy được lợi ích thực sự của thiết kế bền vững đối với cá nhân và cộng đồng.
ThS.KTS Lê Vũ Cường
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015)