Rivera đã viết rằng “Nghệ thuật là điều quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của tôi”. Đối với Rivera, hội họa dường như là điều không thể thiếu. Ông là một nghệ sĩ đặc biệt, người đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hoá, chính trị của đất nước Mexico và cũng là nghệ sĩ nổi tiếng nhất châu Mỹ La-tinh.
Dấu ấn ban đầu
Diego Rivera sinh tháng 12/1886 tại Guanajuato, Mexico trong một gia đình cả hai bố mẹ đều là giáo viên. Ngay từ nhỏ, ông đã say mê vẽ và bộc lộ năng khiếu hội họa đặc biệt. Khi Rivera 12 tuổi, ông vào học tại Học viện danh tiếng San Carlos. Khoá học của Rivera tại học viện từ năm 1898-1905 là một khóa học theo phong cách truyền thống châu Âu. Tại đây, ông được học với hoạ sĩ tên tuổi như Santiago Rebull, Félix Parra, José María Velasco. Một vài tác phẩm của ông cho thấy ảnh hưởng về bút pháp cũng như quan niệm về sáng tác nghệ thuật. Năm 1906, lần đầu tiên ông tham dự triển lãm thường niên của Học viện San Carlos với 26 tác phẩm. Nhờ có một khoản trợ cấp cùng với việc bán được một vài tác phẩm trong cuộc triển lãm này, Rivera đã có cơ hội đến với Châu Âu.
Những năm tháng ở châu Âu
Tháng 1/1907, Diego Rivera đi Tây ban Nha, bắt đầu chuyến hành trình khám phá nền mỹ thuật Châu Âu mới mẻ, đầy hấp dẫn. Từ Tây Ban Nha, ông qua Pháp, Bỉ, Anh. Tại mỗi nước, ông đều lưu lại một thời gian, học hỏi, nghiên cứu tác phẩm của các bậc thầy, vẽ tranh, tham dự các triển lãm, tham gia các bài giảng. Lúc này, mỹ thuật thế giới đang bước vào giai đoạn của những trào lưu nghệ thuật hiện đại với các trường phái Dã thú, Lập thể, Trừu tượng… Đựơc tiếp xúc nhiều với giới hoạ sĩ tiên phong và các trào lưu nghệ thuật đương thời, Rivera chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu khác nhau và ông đã thể hiện sự đa dạng phong cách qua hàng loạt tác phẩm.
Những ngày ở Pháp, ông vẽ nhiều tranh thể hiện kỹ thuật tương phản sáng tối mạnh mẽ mà ông học được từ những bức tranh sơn dầu thế kỷ 17 của Hà Lan tại bảo tàng Louvre. Có thể kể ra đây hai tác phẩm tiêu biểu: Chân dung một người phụ nữ Breton (Head of a Breton Woman), Cô gái Breton (Breton Girl).
Quãng thời gian ở Toledo (Tây Ban Nha), Rivera bị gây ấn tượng mạnh bởi những tác phẩm của hoạ sĩ El Greco. Những đường nét góc cạnh, sự thể hiện không gian đặc trưng trong tranh El Greco đã ảnh hưởng ít nhiều lên sáng tác của Rivera. Tác phẩm Quang cảnh Toledo (View of Toledo) được ông vẽ vào năm 1912 là một ví dụ. Ở bức tranh này, Rivera đã sử dụng điểm nhìn gần giống với hoạ sĩ El Greco trong tác phẩm cùng tên. Bức tranh cũng cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của một phong cách nghệ thuật mới đang dần xuất hiện – Phong cách Lập thể.
Năm 1913, Rivera bắt đầu vẽ những bức tranh lập thể đầu tiên, đây là thể loại mà ông đã cố gắng phát triển trong suốt 5 năm sau đó. Ở hầu hết các tác phẩm này, Rivera đều sử dụng một gam màu nổi bật. Ông đưa vào tranh những màu nguyên chất và tươi rói như màu cam, vàng, lam khiến cho các bức tranh Lập thể của ông trở nên tương phản rực rỡ. Trong số các bức lập thể ấy phải kể đến những tác phẩm: Người phụ nữ bên giếng (Woman at a well), Thuỷ thủ dùng bữa sáng (Sailor at breakfast), Phong cảnh Zapatista – Quân du kích (Zapatista Landscape – The Guerrilla), Làm mẹ: Angelina và con Diego (Motherhood: Angelina and the Child Diego).
Trong triển lãm One-man đầu tiên của Rivera vào tháng 4/1914 tại phòng tranh Berthe Weill, ông đã trưng bày 25 tác phẩm theo phong cách lập thể và nhiều bức trong số đó đã được mua lại. Sau phong cách lập thể, Rivera chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu tác phẩm của Paul Cézanne và đi theo lối vẽ tượng trưng thể hiện qua hàng loạt tranh tĩnh vật và chân dung.
Trong thời gian ở nước ngoài, Rivera vẫn luôn quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội ở trong nước. Vào năm 1920, chính phủ Mexico ban hành một chương trình giáo dục phổ cập toàn diện và một phần trong chương trình ấy là việc vẽ tranh tường tại các toà nhà công cộng như một phương thức giáo dục. Bằng cách này, họ muốn thể hiện rõ sự đoạn tuyệt với kỉ nguyên thuộc địa cùng nền văn hoá châu Âu thế kỉ 19 trên đất nước Mexico. Bị thu hút bởi dự án này, Rivera quyết định rời châu Âu, trở về Mexico.
Những bức tranh tường trên đất Mexico
Trên quê nhà, Rivera đã sáng tạo hàng loạt bức tranh tường mang phong cách nghệ thuật rất độc đáo, riêng biệt, gây ấn tượng mạnh mẽ. Là một nghệ sĩ có tinh thần dân tộc và tư tưởng cách mạng, Rivera đã dùng nghệ thuật của mình để ngợi ca lao động, ngợi ca những cuộc đấu tranh của nhân dân Mexico chống thực dân Tây Ban Nha và chính quyền độc tài. Tranh của ông mang đậm chất dân gian truyền thống với những gam màu hài hoà, nổi bật. Rivera vẽ mà như cảm nhận được từng hơi thở, từng mạch máu trong đời sống dân tộc Mexico. Bức tranh tường đầu tiên của ông – “Sự sáng tạo” (Creation) được vẽ tại trường Dự bị quốc gia năm 1922 chính là bước mở đầu cho thời kì phục hưng nền nghệ thuật tranh tường Mexico. Rivera đã dành khoảng một năm để thực hiện bức bích hoạ. Cũng trong thời gian này, ông cùng một số nghệ sĩ khác sáng lập Hiệp hội các hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ đồ hoạ cách mạng và gia nhập Đảng Cộng sản Mexico.
Dự án tiếp theo của Rivera là trang trí tường của hai sân trong Bộ Giáo dục với tổng diện tích bề mặt gần 1600 mét vuông. Dự án đã mất 4 năm để hoàn thành vào năm 1928. Chủ đề của khu tầng trệt cả hai sân là những lý tưởng cách mạng và di sản của thổ dân da đỏ Mexico. Khoảng sân nhỏ hơn – “Sân lao động” (Court of Labour) chứa đựng những mô tả về cuộc sống hàng ngày của người dân như cảnh làm việc vùng nông thôn hay công nghiệp, các hoạt động thủ công ở các tỉnh khác nhau và cuộc tranh đấu cải thiện điều kiện sống. Khoảng sân to “Sân lễ hội” (Court of Fiestas) mô tả những cảnh trong lễ hội dân gian truyền thống Mexico. Các mảng tường khác lại chứa đựng những cảnh tượng đấu tranh cách mạng, xây dựng các liên minh với chiến thắng chủ nghĩa tư bản. Bộ tranh tường của Rivera tại Bộ Giáo dục được mô tả như là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông.
Trong các bức bích họa, Rivera đã kết hợp sự hiểu biết cặn kẽ về nghệ thuật truyền thống Mexico với việc sử dụng khéo léo các yếu tố hiện đại của phong cách tạo hình mà ông đã học hỏi được trong thời gian ở châu Âu. Năm 1926, Rivera nhận công việc trang trí khu nhà nguyện tại Chapingo. Các bức bích họa của Rivera bao phủ khắp các bức tường và trần nhà, đan kết toàn bộ quần thể lại với nhau. Nó có thể được so sánh với các bức bích họa của Michelangelo trong nhà nguyện Sistine hoặc các trang trí trong nhà nguyện Arena của Giotto về mặt hiệu quả tổng thể.
Năm 1929, Rivera được giao một dự án rất lớn: Vẽ ba khu tường cầu thang hình vòm cung trong Cung điện Quốc gia tại Mexico City. Tại đây, ông đã vẽ bộ tác phẩm Thiên Sử thi dân tộc Mexico (Epic of the Mexican People). Bộ ba bức tranh tường đã phản ánh một cách sinh động lịch sử của Mexico qua các thời kì tiêu biểu. Trên bức tường phía Bắc, ông vẽ chủ đề Mexico thời tiền Tây Ban Nha – Thế giới người da đỏ ban đầu (Pre-Hispanic Mexico – The early Indian world)) như là một thời kỳ lý tưởng. Ở mảng tường phía Tây, ông vẽ bức Lịch sử Mexico từ thời xâm lược đến năm 1930 (History of Mexico from the Conquest to 1930). Bức tranh thể hiện những sự tàn bạo của thực dân Tây Ban Nha tại đất nước Mexico, sự độc tài của chế độ đầu sỏ và các cuộc nổi dậy của nhân dân. Trong bức Mexico hôm nay và mai sau (Mexico Today and Tomorrow) (1934-1935) trên bức tường phía Nam, ông vẽ ra một viễn cảnh Mexico đi theo lý tưởng chủ nghĩa Mác. Trong bộ tranh tường đồ sộ này, quan niệm về lịch sử của người nghệ sĩ có tính khớp nối mạnh mẽ hơn bất kỳ tác phẩm nào khác.
Đúng như những gì Rivera đã ghi lại sau khi từ Châu Âu trở về Mexico: “Việc trở về nhà đã khơi dậy niềm hân hoan trong tôi một cách khó tả. Như thể tôi đã được tái sinh. Tôi thấy mình giữa một thế giới tạo hình, trong đó màu sắc và các hình thể hiện hữu hoàn toàn thuần khiết. Tôi nhìn thấy những kiệt tác tiềm năng ở khắp mọi nơi – trong đám đông, trên chợ, trong các lễ hội, các tiểu đoàn diễu hành, những người công nhân trong xưởng, hay trên cánh đồng – từng khuôn mặt sáng ngời, từng đứa trẻ rạng rỡ…. Tôi đã vẽ, tự nhiên như cách tôi thở, cách tôi nói chuyện hay trên người đổ mồ hôi…”.
Ảnh hưởng của tranh tường Rivera trên thế giới
Tên tuổi của Rivera cùng các tác phẩm tranh tường của ông không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn lan rộng khắp châu Mĩ và châu Âu. Rivera đã nhận được rất nhiều hợp đồng vẽ tranh tường từ Mỹ. Một trong những công trình tiêu biểu của ông là loạt tranh tường ở Viện nghệ thuật Detroit được vẽ năm 1932. Theo yêu cầu của Uỷ ban nghệ thuật thành phố, Rivera sẽ vẽ về chủ đề công nghiệp ở Detroit. Ông cảm thấy rất hứng thú với chất liệu công nghiệp nơi đây và đã lên phác thảo sơ bộ cho các khoảng tường rộng lớn. Có tất cả 27 bức bích hoạ và chúng cùng nhau tạo thành một chủ đề thống nhất trong một không gian đồng hiện đồ sộ. Các bích họa là sự tổng hợp những quan sát, nghiên cứu của Rivera về nhà máy công nghiệp của gia đình Ford và khu công nghiệp liên hợp sông Rouge. Ở bức tường phía Đông là những miêu tả về nguồn gốc của sự sống con người và công nghệ. Trên bức tường phía Tây, ông mô tả các kĩ thuật công nghệ mới về nước và không khí. Trên các bức tường phía Bắc và phía Nam, những công đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất xe Ford được thể hiện ở các phần chính của hai bức tường. Có thể thấy bộ tranh tường Nền công nghiệp Detroit (Detroit Industry) như một thiên anh hùng ca của ngành công nghiệp cơ khí và ngày nay được coi là một trong những thành tựu nổi bật của nghệ thuật tranh hoành tráng.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật, bên cạnh các bức tranh tường, Rivera còn vẽ rất nhiều tranh và ký hoạ. Ông cũng là một trong những nhà sưu tập tư nhân đầu tiên về nghệ thuật Mexico thời tiền Colombo.
Với tài năng đặc biệt và sức làm việc đáng khâm phục, Rivera đã góp phần tạo cho nền mĩ thuật Mexico một diện mạo mới, đậm đà bản sắc dân tộc, mang sức sống mãnh liệt. Ông giữ vai trò quan trong lịch sử nghệ thuật Mexico nói riêng cũng như lịch sử nghệ thuật thế giới nói chung.
Quỳnh Khanh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)