Thiết kế Nội thất (TKNT) là một ngành đặc thù cần đến sự kết hợp khăng khít giữa kỹ thuật và nghệ thuật, trong đó kỹ năng tư duy logic, khoa học và trình độ thẩm mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Ngành TKNT là ngành sáng tạo ra những giá trị cho cuộc sống bao gồm: Giá trị thẩm mỹ (đẹp, phong cách, xu hướng…), giá trị sử dụng (sự thoải mái, tiện nghi…) và giá trị cảm xúc (vui vẻ, hạnh phúc…). Ở Việt Nam, ngành TKNT chỉ thực sự phát triển mạnh khoảng một thập kỷ gần đây với sự ra đời của nhiều cơ sở đào tạo có mã ngành TKNT. Phát triển chậm so với nước ngoài, điểm qua tình hình đào tạo ngành TKNT tại Việt Nam và thế giới, chúng ta rút ra một số điểm khác biệt – Như một bài học kinh nghiệm để có cơ sở đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo ngành TKNT trong quá trình phát triển và hội nhập.
Tuyển sinh và chương trình đào tạo
Tại Việt Nam, các chuyên ngành đào tạo TKNT hiện nay tuyển sinh đầu vào bằng việc xét tuyển bằng các tổ hợp môn bao gồm môn Văn hóa và môn năng khiếu. Ví dụ:
- Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tuyển sinh ngành TKNT dựa vào kết quả thi các môn văn hóa (Toán, Văn) trong kỳ thi THPT Quốc gia kết hợp với thi bổ sung môn năng khiếu (Vẽ mỹ thuật) do Trường tổ chức;
- Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tuyển sinh ngành TKNT với 4 tổ hợp môn (Toán, Lý, Vẽ), (Toán, Văn, Vẽ), (Toán, Anh, Vẽ) và (Văn, Anh, Vẽ) theo cả hai hình thức: Tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ THPT;
- Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp tuyển sinh ngành TKNT bao gồm việc xét tuyển kết quả các môn văn hóa (Toán hoặc Văn) kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu (Bố cục màu, hình họa);
- Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tuyển sinh ngành TKNT với tổ hợp môn (Văn, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu). Trong đó, môn Văn lấy kết quả Kỳ thi THPT quốc gia theo cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các môn Hình họa Mỹ thuật và Bố cục trang trí màu do Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tổ chức thi.
Có thể thấy, đa số các trường đều tổ chức thi môn năng khiếu, và các bạn học sinh phải theo học các lớp vẽ (luyện thi) từ trước đó nhiều năm. Ở các trường quốc tế, các ứng viên thường chỉ được yêu cầu xét tuyển với điều kiện có bằng tốt nghiệp phổ thông và làm một số bài kiểm tra về đọc viết, tính toán, hoặc ứng viên chỉ cần gửi một bản “Résumé” (tóm tắt ngắn gọn, súc tích quá trình học tập, làm việc và các thành tích nổi bật đã đạt được) hoặc “Curriculum vitae” (CV – là bản tổng hợp theo trình tự thời gian các quá trình học tập, làm việc, và đôi khi còn thêm vào cả các vấn đề về cuộc sống – thường trình bày từ hiện tại ngược về quá khứ) cộng với một lá thư.
Ở Việt Nam, chương trình đào tạo thường có thời gian từ 4 năm rưỡi tới 5 năm, tương đương với 9 đến 10 kỳ học. Chương trình có hai khối kiến thức:
- Kiến thức giáo dục đại cương: Dạy các học phần: Lý thuyết, Lý luận căn bản (liên quan đến design và các môn học Xã hội, nhân văn), Lý luận chính trị, Ngoại ngữ, Tin học cơ bản, Giáo dục thể chất, An ninh quốc phòng;
- Kiến thức giáo dục chuyên ngành: Bao gồm các môn cơ sở và hệ thống đồ án chuyên ngành, trang bị cho người học những kiến thức cần thiết và chuyên sâu để trở thành những nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Qua khảo sát các trường Đại học nước ngoài có thể thấy chương trình học thường được dựa trên một số nguyên tắc thiết kế chính, trong đó các kỹ năng kỹ thuật cơ bản và kiến thức nghề được phát triển thông qua việc điều tra, khám phá, thử nghiệm và phương pháp tư duy khái niệm. Chúng được khai phá và thúc đẩy trong một môi trường học studio (các xưởng thiết kế), nơi các bản thảo giấy truyền thống và mô hình kỹ thuật, cộng với các bản vẽ bằng máy tính và trực quan được chỉnh sửa liên tục. Một phần nữa được chú trọng trong chương trình đào tạo đó là các nghiên cứu về lịch sử thiết kế và đương đại nhằm tiếp tục phát triển sự hiểu biết về thiết kế cho SV.
VD: Chương trình học chuyên ngành TKNT, đề tài và nội dung hệ thống đồ án thiết kế nội thất tại Học viện Thiết kế Raffles, Singapore
Ngoài ra, ở nước ngoài, khoa TKNT của các trường ĐH luôn có mối quan hệ đồng hành với nền công nghiệp Nội thất, mối quan hệ này đảm bảo sự kết nối, tính cạnh tranh và đưa ra sản phẩm đào tạo phù hợp với sự phát triển nhu cầu không ngừng của ngành công nghiệp Nội thất. Một số lượng lớn các công ty hợp tác với cơ sở đào tạo để cung cấp các dự án sáng tạo sống động cho SV và giáo viên cùng làm. SV quốc tế khi bảo vệ đồ án, không chỉ với các giảng viên trong trường mà còn với cả các chuyên gia đến từ các công ty bên ngoài.
Như vậy, nhìn chung việc tuyển sinh đầu vào của các nước “cởi mở” hơn, chủ yếu qua xét tuyển (không tổ chức thi), tức là xem xét cả quá trình học tập của các thí sinh. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào việc sàng lọc, đào thải kỹ lưỡng, liên tục trong suốt quá trình học. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc tổ chức thi tuyển đầu vào đại học đánh giá chủ yếu qua kết quả các kỳ thi tuyển, gần đây Bộ giáo dục và các cơ sở đào tạo đang có những thay đổi nhằm hướng tới nâng cao chất lượng và quyền lợi của thí sinh hơn.
Có thể thấy rằng, sự khác biệt lớn nhất trong chương trình đào tạo ở nước ngoài là sự rút gọn, cô đọng để rút ngắn thời gian đào tạo, trong khi đó tại Việt Nam, khối lượng kiến thức đại cương khá đồ sộ, vì thế thời gian đào tạo thường kéo dài hơn các nước khoảng một năm.
Môn học đồ án chuyên ngành
Đây là môn học chuyên ngành, SV tập làm các thiết kế các công trình từ nhỏ tới lớn. Đề tài đồ án của SV Việt Nam lựa chọn thường rất vĩ mô, phổ biến là các không gian có quy mô lớn. Trái ngược hẳn với SV nước ngoài, họ thường làm những đề tài án hết sức cụ thể, gần gũi và đơn giản, quy mô nhỏ, có chiều sâu và được nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này được lý giải do Việt Nam là nước đang phát triển, nhiều công trình và dự án mới cần được xây dựng nên lựa chọn của SV rộng hơn. Với những nước phát triển, ví dụ như Nhật bản, với hệ thống nhà ở, cơ sở hạ tầng đã gần như hoàn thiện thì việc tập trung vào giải quyết những vấn đề nhỏ nhưng đòi hỏi sự tinh tế cao có lẽ là quy luật tất nhiên.
Sự khác biệt đáng kể nữa phải đề cập tới là tính thực tiễn trong nghiên cứu đồ án. Chính vì quy mô nhỏ nên nhiệm vụ thiết kế của các đồ án thiết kế nội thất của SV nước ngoài thường gắn bó chặt chẽ với các không gian cụ thể, đối tượng sử dụng với các yêu cầu cuộc sống đặt ra. Tại Việt Nam, các đề tài giả định đang được các cơ sở đào tạo điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn chiếm số lượng lớn.
Ở nước ngoài, SV thường được chia thành những nhóm từ 5-7 người để giáo viên hướng dẫn thực hành một loạt các đồ án trong cả năm, bao gồm các kiến thức nền tảng liên quan, những chỉ dẫn nghiên cứu, các tiêu chí thiết lập và các chỉ dẫn để thuyết trình. SV sẽ làm việc tại xưởng trong suốt quá trình làm đồ án, đôi khi còn ngủ tại xưởng để tiện cho việc nghiên cứu. SV nước ngoài thực hiện đồ án theo một quy trình như một nhà thiết kế chuyên nghiệp, tức là các bước làm cũng giống như các nhà TKNT ngoài đời thực. Họ được yêu cầu rõ ràng rằng, sẽ phải đóng vai là một nhà TKNT với các kịch bản về gia chủ và không gian được đưa ra bởi giáo viên. Đó là cách tốt nhất giúp SV ứng dụng khả năng giải quyết vấn đề để xử lý các yêu cầu của khách hàng.
SV nước ngoài được khuyến khích các sáng tạo trong việc thể hiện đồ án thiết kế dưới nhiều hình thức, vật liệu không chỉ trên giấy mà còn mô hình bằng bìa, xốp, đất sét…; tăng cường thời gian trao đổi giữa giáo viên và SV về phương án thiết kế. Vào giai đoạn hoàn thành, SV sẽ trình bày đồ án tại một hội trường, nơi mà các giảng viên hướng dẫn cũng như các SV khác có thể cùng nhận xét.
SV được yêu cầu thiết lập nhóm để thuyết trình hoặc thuyết trình đơn lẻ về các giải pháp thiết kế của mình, điều này giúp họ phát triển được sự linh hoạt, gắn kết giữa giao tiếp và trình bày ý tưởng. Sự đánh giá không chỉ dựa trên đồ án mà được nhận xét nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện đồ án. Cách này vừa đỡ tốn kém cho SV, lại vừa thực chất hơn, chính xác hơn, trong việc chấm bài, giáo viên có thể hiểu một cách đầy đủ nhất về ý tưởng mà SV muốn thể hiện. Sau đồ án, sản phẩm thường được đóng quyển thành tập san. Đây là tài liệu tốt cho SV các năm sau tham khảo trực tiếp và các giáo viên lưu trữ. Sau mỗi một năm, các đồ án lại được cập nhật và luôn thay đổi, mặc dù đề tài có thể giữ nguyên nhưng các hướng giải quyết các vấn đề rất khác nhau.
Tại Việt Nam, SV cũng được học trong môi trường studio dựa trên mô hình xưởng thiết kế nhằm thúc đẩy sự trao đổi sôi động của giao tiếp, thông tin và ý tưởng. SV cũng được phân thành nhóm cho mỗi giáo viên hướng dẫn, nhưng do hạn chế về số lượng giảng viên nên mỗi nhóm có khi lên tới 17 người. Trung bình mỗi SV có thể trao đổi với giáo viên khoảng 20-30 phút/buổi (tùy thuộc mức độ bài làm của SV). Dĩ nhiên những hạn chế về cơ sở vật chất chưa cho phép chúng ta có được những xưởng thiết kế đầy đủ trang thiết bị vật chất như các trường ở nước ngoài nhưng đây cũng vẫn là một phương pháp hay cần khuyến khích. Có không gian thể hiện riêng, SV Khoa TKNT sẽ dễ dàng hình dung được không gian, hình dung được tác phẩm của mình sẽ hình thành như thế nào chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở việc vạch ra những đường nét trên giấy.
Thay lời kết
Quá trình đào tạo ngành TKNT ở một số nước phát triển với Việt Nam ta thấy có 4 điểm khác biệt cơ bản:
- Đầu vào “cởi mở” nhưng cũng không quá dễ dàng, vẫn lọc được SV có năng khiếu.
- Chương trình tối ưu về thời gian, đi thẳng vào khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành, giảm thời gian đào tạo khoảng 1 năm so với Việt Nam.
- Kiến thức chuyên ngành (đồ án) được lồng ghép với các điều kiện thực tế, SV được tập rượt kỹ và bổ xung nhiều kiến thức xã hội.
- Cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị học tập được đáp ứng đầy đủ cho các cháu học tập, nghiên cứu và thực hành.
Với nhiều nguyên do khác nhau, việc đào tạo ngành TKNT giữa Việt Nam và các nước trên thế giới có khá nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, nét khác biệt mang tính tổng quát có thể nêu ra là tính chất thực dụng, thực tế của các cơ sở đào tạo nước ngoài. Tính thực dụng làm cho chương trình ngắn gọn nhất thể hiện ở việc gắn kết nhà trường với nền công nghiệp nội thất thông qua các doanh nghiệp, qua đó SV có nhiều cơ hội thực hành với các đồ án thực tế, bám sát hơi thở cuộc sống. Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành TKNT, các cơ sở đào tạo trong nước cần lưu ý bài học kinh nghiệm của thế giới để có những điều chỉnh phù hợp trong việc hoàn thiện mô hình đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
– Chương trình đào tạo ngành TKNT Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
– Chương trình đào tạo Học viện thiết kế Raffles, Singapore – Trường Đại học Mỹ thuật Quảng Châu, Trung Quốc.
TS. KTS. Vũ Hồng Cương
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)