KIẾN TRÚC & NỘI THẤT | News

Giải pháp tổ chức không gian nội thất và mô hình căn hộ Nhà ở xã hội tại Việt Nam

17A07071 TCKT 05 380x247 1

Vấn đề nhà ở xã hội tại Việt Nam luôn là mối quan tâm lớn của xã hội. Thời gian gần đây Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có rất nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ để phát triển loại hình nhà ở này.

Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy với quy định về diện tích các căn hộ nhà ở xã hội nhỏ hơn 70m2 thì người dân phải “xoay sở” với các không gian chật hẹp và cứng nhắc. Vấn đề thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên cũng như các tiện nghi ở tại rất nhiều căn hộ vẫn chưa được giải quyết triệt để, tình trạng các căn hộ thiếu sáng, bí bức và không đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng thoải mái cho người ở khá phổ biến. Mặc dù một số cơ quan chức năng đã ban hành cả các mẫu nhà ở nhằm giải quyết vấn đề này song các mẫu này cũng như nhiều dự án đã xây dựng vẫn ở dạng thu nhỏ các mẫu nhà ở chung cư cao tầng dạng thương mại. Chất lượng ở trong từng căn hộ phụ thuộc chủ yếu vào các giải pháp tổ chức không gian nội thất và đồ đạc nội thất phù hợp. Đây hiện tại, chỉ riêng ở Hà Nội, hàng chục dự án chung cư cao tầng và nhà ở xã hội vẫn đang được mà biện pháp xử lý không gian nội thất vẫn chưa được đi sâu. Nếu không kịp thời có những nghiên cứu toàn diện, đồng bộ và thiết thực thì sẽ để lại những hậu quả khó lường.

Các quan điểm tổ chức không gian nội thất căn hộ nhà ở xã hội.

17A07071 TCKT 01
Hình 1: Kích thước tối thiểu của các không gian trong căn hộ.
  • Mỗi căn hộ là một ngôi nhà, căn hộ nhỏ phải là một căn hộ nén cần có các không gian hợp lý với kích thước 3 chiều (tối thiểu) để đáp ứng tối đa các nhu cầu ở trên cùng 1 đơn vị diện tích căn hộ. Do vậy, tăng cường tối đa tính linh hoạt của căn hộ là trọng điểm trong việc thiết kế xây dựng mô hình căn hộ mới.
  • Các không gian phụ trợ (Bếp, WC, Logia phơi giặt) là những thành phần ít thay đổi cần được tập trung lại để tăng cường tối đa khả năng linh hoạt cho các không gian ở còn lại.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng tường cố định (Gạch), thay vào đó sử dụng đồ đạc nội thất đa chức năng thay thế cho các tường ngăn đặc biệt là trong các không gian ở cần linh hoạt nhằm tận dụng diện tích một cách hiệu quả nhất. Sử dụng đồ đạc nội thất thích hợp với các không gian nhỏ, đồ đạc cũng nhất thiết phải đa năng để có thể chia sẻ không gian khi cần cho các sự kiện của gia đình.
  • Khai thác tối đa chiều cao (phương đứng) và mặt bằng (phương ngang) để đảm bảo tốt khả năng thông thoáng chiếu sáng tự nhiên cho các không gian chức năng trong khi giảm thiểu diện tích căn hộ, từ đó giảm thiểu diện tích mặt bằng tầng điển hình để tiết kiệm đất xây dựng tạo điều kiện quan trọng cho việc giảm giá thành nhà ở. Do đó hình dạng mặt bằng cần đơn giản để có khả năng ghép, tổ hợp  không gian và đồ nội thất một cách hợp lý trên mặt bằng tầng điển hình.
  • Ưu tiên phát triển căn hộ 3 phòng ngủ có thể chuyển đổi thành 2 phòng và 1 phòng ngủ khi cần thiết. Trường hợp gia đình lớn yêu cầu từ 4 phòng ngủ trở lên nên tận dụng khả năng ghép 2 căn hộ liền kề.
  • Với đặc thù là diện tích nhỏ hẹp (dưới 70m2) việc nghiên cứu mô hình căn hộ nhà ở xã hội cần được xuất phát từ những nhu cầu hết sức cụ thể của từng cá nhân cũng như các thành viên của 1 gia đình, bên cạnh đó hướng đến khả năng tối thiểu hoá diện tích các khu phụ cố định và tối đa hoá các không gian có thể linh hoạt tuỳ theo mục đích sử dụng để đảm bảo sự thoải mái cho người ở.

Hơn nữa, các không gian chức năng ở trong một căn hộ là phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, bếp, khu vệ sinh, lo gia … cần được xác định bằng chính các nhu cầu thực tế và nén lại với các đồ đạc nội thất có kích thước vừa đủ yêu cầu sử dụng nhằm tránh lãng phí diện tích sàn.

Ngay cả chiều cao của các không gian chức năng khác nhau cũng cần được tận dụng ở mức đủ dùng. Ví dụ các phòng ngủ, phòng bếp, khu vệ sinh có chiều cao thông thủy 2.2m tương ứng với chiều cao của tủ áo, tủ bếp trên, cabin tắm là có thể sử dụng thuận tiện. Trong khi đó không gian phòng khách, phòng ăn là những khu hoạt động chung của cả gia đình có diện tích lớn hơn cần có chiều cao thông thủy lớn hơn là 3.2m để phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt (minh hoạ trong hình 1).

Mô hình căn hộ đề xuất

Trong những nghiên cứu trước đây về chung cư cao tầng, tác giả bài viết này đã đề xuất mô hình căn hộ linh hoạt gồm 2 thành phần chính là(hình 2):

17a07071 tckt 02 768x449 1
Hình 2: Sơ đồ tổ hợp không gian chức năng hình thành cơ cấu căn hộ linh hoạt.

Không gian ở linh hoạt:

  • Gồm các không gian chức năng ở như: phòng khách, ăn, học tập, ngủ, thờ..vv.. có những đồ nội thất rời, di chuyển được.
  • Các chức năng cần được sắp xếp từ động tới tĩnh (tính từ lối vào căn hộ).
  • Các chức năng ở phải được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên và được bố trí ở mặt ngoài công trình ưu tiên hướng nhìn đẹp.
  • Phải tổ chức được thành không gian lớn phục vụ được các  chức năng công cộng của gia đình (gồm các chức năng khách, thờ, tiền phòng).
  • Sử dụng giải pháp ngăn chia nhẹ, linh hoạt để thay đổi, điều chỉnh được không gian khi có nhu cầu.

Không gian phụ trợ tập trung:

  • Gồm các chức năng phụ trợ như: phòng vệ sinh, bếp, kho, logia phụ trợ có chứa đựng những thiết bị cố định như bồn tắm, chậu rửa…
  • Các chức năng cần được sắp xếp theo trình tự từ chung đến riêng (tính từ lối vào căn hộ)
  • Các chức năng khu ướt phải đảm bảo thông khí, thoát mùi, chiếu sáng tự nhiên và bố trí kín đáo hạn chế nhìn thấy ở mặt ngoài công trình.
  • Tổ chức logia phụ trợ liên hệ với bếp.

Tuy nhiên với các căn hộ nhà ở xã hội diện tích dưới 70m2 cần tiếp tục phân chia 1 lần nữa cơ cấu căn hộ thành 3 tuyến không gian cơ bản theo sát với nhu cầu và mực đích sử dụng là(hình 3):

17a07071 tckt 03 768x713 1
Hình 3: Sơ đồ phân chia 3 tuyến không gian trong căn hộ nén.
  • Một là:  Khu phụ trợ tập trung .

Khu phụ trợ tập trung gồm các chức năng như vệ sinh, bếp, logia, phụ trợ và phơi giặt. Trong đó khu vệ sinh cần tách biệt rửa, xí, tắm bằng các vách ngăn nhẹ kính mờ để tăng khả năng sử dụng đồng thời cho các thành viên gia đình, đặc biệt trong những giờ cao điểm như buổi sáng khi cả gia đình cần sử dụng cùng lúc. Bếp có kích thước vừa đủ thông với logia phụ trợ. Như đã phân tích ở trên, chiều cao của tuyến không gian này là 2,2m. Do đó tận dụng được khoảng không phía trên trần là 0,9m để thông thoáng, chiếu sáng tạo thành ống theo phương ngang cho khu vệ sinh.

  • Hai là:   Không gian sinh hoạt.

Gồm không gian thờ cúng, không gian ăn kết hợp với phòng khách tiếp xúc với cửa sổ kính lớn để thông thoáng và chiếu sáng, đồng thời đem lại tầm nhìn tốt ra thiên nhiên.Đây là không gian lớn nhất nên có chiều cao 3,2m.

  • Ba làKhông gian ngủ.

Tuyến không gian này gồm 3 “cabin” ngủ: “cabin” ngủ đôi đặt phía ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, hai “cabin’ ngủ cá nhân đặt kế tiếp .Các không gian ngủ này có kích thước tối thiểu gồm giường (gấp được lên tường), bàn viết và hệ tủ quần áo có vai trò vách ngăn giữa các phòng ngủ. Hệ tủ áo kết nối với vách ngăn lùa của các phòng ngủ có thể cơ động dồn về phía góc căn hộ khi có nhu cầu sử dụng không gian lớn cho các sự kiện của gia đình. Tương tự như khu phụ trợ, chiều cao cần thiết cho các không gian ngủ là 2,2m nên cũng tạo ra được “tuyến ống thông gió ngang” thông thoáng và tăng cường lấy sáng tự nhiên cho các phòng ngủ phía trong(tham khảo trong hình 4).

17a07071 tckt 04 768x292 1
Hình 4: Mô hình ống thông gió ngang dựa trên cơ sở chiều cao thông thuỷ từng tuyến không gian.

Thay lời kết

Như vậy mô hình căn hộ linh hoạt được tổ hợp bởi 3 tuyến không gian chức năng là khu phụ trợ tập trung, không gian sinh hoạt, các không gian ngủ linh hoạt. Chỉ với tổng diện tích thông thủy căn hộ là 65m2. Mô hình căn hộ nhà ở xã hội đề xuất đáp ứng được các nhu cầu và chất lượng ở của cư dân đô thị với sự thông thoáng cho tất cả các không gian chức năng mang đến sự tiện lợi và đa năng đáp ứng hầu hết các nhu cầu của nhiều dạng gia đình. Tất cả các đồ đạc không gian đều có kích thước vừa đủ nên được gọi là căn hộ nén. Điểu đặc biệt của mô hình nhà ở này chính là đảm bảo sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên cho toàn bộ căn hộ qua hệ thống “ống thông gió ngang”, khắc phục tình trạng thiếu sáng và thông thoáng của các loại hình căn hộ chung cư hiện tại.

17a07071 tckt 05 768x370 1
Hình 5: Cơ cấu căn hộ nhà ở xã hội nén với 3 tuyến không gian.

Mô hình căn hộ nén 65m2 với ống thông gió ngang cũng mang lại nhiều lợi ích khác như tính modul và điển hình hóa cao, có thể sản xuất đại trà (công nghiệp hóa nhà ở) kể cả các công tác thi công xây dựng cũng như đồ đạc nội thất. Chính vì vậy sẽ giảm được thời gian thi công cũng như giá thành của căn hộ. Bên cạnh đó, các căn hộ mẫu này cũng mang lại nhiều khả năng tổ hợp phong phú tăng tính ứng dụng cao tuỳ theo đối tượng sử dụng. Vấn đề này sẽđược trình bày cụ thể trong các nghiên cứu tiếp theo và dự án nghiên cứu nhà ở Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (House Vision).

TS.KTS Vũ Hồng Cương

Trưởng khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09 – 2015)

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *