Nhà máy đóng tàu Ba Son ở trung tâm Sài Gòn đã di dời, nhường đất cho những mục đích khác. Thế nhưng, hình ảnh và những kỷ niệm về nhà máy này sẽ còn lưu lại rất lâu trong lòng mọi người. Và đáng quý là đã có một số kỷ vật của Ba Son được KTS Nguyễn Hòa Hiệp và các công sự lưu giữ lại bằng cách sử dụng cho công trình The Myst.
Khách sạn The Myst Đồng Khởi vừa mới được khai trương trên đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1, TP.HCM. Đây cũng là nơi lưu giữ một số kỷ vật có giá trị lịch sử của xưởng đóng tàu Ba Son sau khi tháo dỡ. Đó cũng là cái tình, sự yêu mến Sài Gòn của chủ đầu tư cũng như của người thiết kế.
Café ngay mặt tiền khách sạn có tên Ba Son. Những cấu kiện kiến trúc có giá trị được sử dụng như các cây gỗ địa phương dùng gia cố móng, những khung vì kèo thép đặc chế từ Toulon hoặc những viên ngói từ Marseille (Pháp). Toàn bộ thiết kế khu vực lobby vốn đã có từ trước được thay đổi bằng thiết kế mới, biến lobby khách sạn thành một khu bảo tàng triển lãm với các vật dụng từ Ba Son. Không chỉ vậy, nhưng cấu kiện, vật liệu từ Ba Son còn tham gia vào kết cấu của công trình. Những cọc gỗ cao với vết tích của thời gian lên nước đen bóng gây ngạc nhiên cho những ai bước vào. Bậc thềm là những thân gỗ cứng như đá, đón chân khách đến. Có choáng ngợp trước những kỷ vật lưu giữ lịch sử của một xưởng đóng tàu lừng lẫy sừng sững ngay trước mắt mới cảm nhận được sự mất mát không thể thay đổi.
Thiết kế khách sạn với hình khối cùng các ô cây xanh suốt dọc chiều cao tòa nhà. Khi bước vào bên trong chúng ta như được trở về ký ức với các hình ảnh, mái ngói, xà sắt, kính màu. Một sự hồi tưởng về ký ức của một góc Sài Gòn mà ai cũng từng nhìn thấy. Những hành lang chính là hình ảnh của những ngõ hẻm thân thương, gợi nhớ, bình dị đi thẳng vào cảm xúc của mỗi người. Hành lang quanh co gấp khúc với nhiều màu sắc và mái ngói lô nhô. Những khung cửa sắt cũ nhìn ra sông Sài Gòn, là ký ức của mỗi người sinh ra và lớn lên tại đây. Con thuyền đặt ngay chính giữa nhà hàng càng nhấn mạnh về một thành phố bên sông. Tất cả thiết kế cũng như trang trí bên trong đều mang tính bản sắc địa phương, văn hóa và hình ảnh một Sào Gòn đã in đậm trong tâm trí nhiều người.
Vật liệu sử dụng ngoài những di vật lịch sử còn có các vật liệu như đá mài, gốm sứ, những đồ gỗ mộc những mang nét đặc trưng của người Việt. Tất cả những gì lưu giữ của Ba Son cùng với kiến trúc, trang trí đề để hồi sinh ký ức và ca ngợi một thành phố có lịch sử, văn hóa thông qua các di vật được tiếp nối cuộc sống trong một không gian mới, được phô diễn vẻ đẹp của mình với sự trân trọng của những người tôn trọng và giữ gìn kỷ niệm Sài Gòn.
Thiết kế: KTS Nguyễn Hòa Hiệp và các cộng sự.
Một số hình ảnh về công trình
Theo Thu Thủy/TC Kiến trúc & Đời sống