KIẾN TRÚC & NỘI THẤT | News

Thiết kế nội thất Không gian bếp – Quan điểm và Giải pháp bố cục không gian từ Châu Âu

Bếp là không gian khó thiết kế nhất trong nhà ở – Vì trang thiết bị đa dạng và phức tạp cùng với khu vực chế biến, lưu trữ phải được sắp xếp thành một tổng thể hợp lý về mặt thị giác cũng như công năng. Theo thống kê, mỗi ngày có tới hơn 360 các hoạt động, quy trình và “hành trình” được thực hiện trong căn bếp. Tính trong vòng 20 năm, khoảng 2.6 triệu các hoạt động kiểu này diễn ra. Một số quan điểm và giải pháp trong thiết kế nội thất không gian bếp ở Châu Âu sẽ là bài học kinh nghiệm hữu ích đối với các KTS, các nhà thiết kế nội thất và người sử dụng là các gia đình Việt.

Bếp mở tăng khả năng tương tác với không gian khách và ăn (thiết kế của SieMatic)
Bếp mở tăng khả năng tương tác với không gian khách và ăn (thiết kế của SieMatic)

Bếp trong ngôi nhà của người Việt có sự dịch chuyển và phát triển từ thô sơ tới hiện đại, song song với sự phát triển các “công nghệ” sản xuất nhiên liệu đun nấu như: Củi; rơm rạ; than; dầu; điện; ga tới hồng ngoại và điện từ như ngày nay. Chúng ta, những cư dân đô thị lớn Việt Nam mới chỉ làm quen với khái niệm tủ bếp – cái thay thế cho chạn để bát đũa và đồ ăn trong những thập niên 90 của thế kỷ 20.

Được du nhập cùng với nhiều công nghệ mới từ các nước phát triển, đến nay, tủ bếp cũng như không gian bếp trong các ngôi nhà Việt đã trở thành bộ phận quan trọng hàng đầu, phản ánh chất lượng cuộc sống. Khái niệm “khu phụ” gồm bếp, khu vệ sinh đang chuyển hóa và được nhận thức lại – việc sử dụng các thiết bị hiện đại trong không gian bếp nói riêng và nhà ở nói chung càng trở nên cần thiết.

Hình 1: Chạn bếp phổ biến trong các gia đình Việt thời bao cấp
Hình 1: Chạn bếp phổ biến trong các gia đình Việt thời bao cấp

Nghiên cứu các triết lý trong thiết kế bếp của một số hãng nội thất lớn hàng đầu Châu Âu như SieMatic, Blum, … cho thấy quan niệm về không gian bếp có nhiều điểm khác biệt. Trước hết, bếp là không gian mở – Với mục đích giải phóng lao động thuộc loại “cực nhọc” trở thành nghệ thuật nấu nướng đầy cảm xúc. Khái niệm mở ở đây được hiểu một cách toàn diện, mở cả về cấu trúc không gian, mở cả về tầm nhìn của người sử dụng. Người nội trợ, đa phần là chủ nhà không còn bị giới hạn bởi các bức tường kín, hay các hệ tủ trước mặt mà có thể quan sát được các không gian lân cận như phòng ăn, phòng khách hoặc nhìn ra một khoảng vườn bên ngoài. Do vậy, khái niệm “đảo bếp” được sáng tạo và ứng dụng khá phổ biến với “toa khói” (máy hút mùi) được treo thẳng lên trần. Điều này được các KTS xem như một cuộc cách mạng trong thiết kế không gian bếp và cũng là giải pháp hàng đầu cho những ngôi nhà có đủ điều kiện về diện tích.

Quan điểm thứ hai trong thiết kế bếp ở Châu Âu có phần đối lập với các quan điểm truyền thống của Việt Nam. Bếp là trung tâm của ngôi nhà. Bếp mang sứ mệnh kết nối từ các thành viên trong gia đình cho đến khách quý hay bạn bè. Khách thân thiết của gia đình có thể được đón tiếp ngay tại bếp nấu với sự tham gia của một bàn ăn gắn liền với đảo bếp.

Với quan điểm này, khi thiết kế bếp, người Châu Âu thường đặt nó tại trung tâm của ngôi nhà hoặc căn hộ tại những vị trí mà bếp có cơ hội mở thông với phòng ăn, phòng khách hay sân vườn. Khả năng tương tác với các thành viên trong gia đình, khách và bạn bè được đẩy lên tối đa. Lúc này người “đứng bếp” ngoài việc nấu nướng đơn thuần có thể nhâm nhi chút rượu vang và “kêu gọi” sự hỗ trợ của các thành viên khác. Thông qua những hành vi chuẩn bị, chế biến đồ ăn cùng nhau người ta hoàn toàn tạo được các cơ hội chia sẻ tình cảm, trách nhiệm trong gia đình.

Tam giác công năng bếp từ những thập niên 50 của thế kỷ 20
Tam giác công năng bếp từ những thập niên 50 của thế kỷ 20

Với những quan điểm nêu trên, các hãng nội thất chuyên về không gian bếp đã đưa ra rất nhiều giải pháp nội thất, từ linh kiện phụ kiện, trang thiết bị, cấu tạo cho tới vật liệu. Bếp đã thực sự trở thành một nghiên cứu khoa học với những thiết kế thông minh hữu dụng và rất thẩm mỹ.

Lý thuyết về “tam giác công năng” trước đây chia bếp thành 3 bộ phận chính: Tủ lạnh, chậu rửa và bếp nấu. Với tổng chiều dài lý tưởng của 3 cạnh tam giác khoảng 3,6m đến 7,2m. [2]

Hiện nay, các nhà thiết kế của SieMatic hay Blum đã phân chia công năng một cách chi tiết và cụ thể hơn. Hệ thống tủ Bếp được chia thành 5 khu:

1. Khu để thực phẩm
2. Khu để đồ dùng dụng cụ
3. Khu rửa
4. Khu chế biến
5. Khu nấu

VHC image014 21.42.55

VHC image015
Sơ đồ không gian bếp 5 khu vực của Blum (Cộng Hoà Áo)

Các khu này bố trí liên hoàn để tạo thành quy trình nhà bếp thuận tiện nhất cho người sử dụng với các dạng bố cục cơ bản như bếp chữ U, bếp dạng đảo bếp, dạng song song, dạng chữ L, dạng chữ G và bếp thẳng.

Không gian bếp là một hệ thống liên tục và phức tạp. Để đơn giản hóa và tối ưu hóa, các thiết kế bếp tiêu chuẩn Châu Âu thường chia nhỏ cả hệ thống tủ bếp thành 5 khu vực nêu trên với các module tủ có chiều rộng từ 1,2m; 0,9m; 0,6m; 0,45m đến 0,3m. Trong mỗi module tủ bếp đã tích hợp sẵn các linh phụ kiện hiện đại như: ray kéo tự động, giá kệ để đồ đa năng, gioăng chống ẩm chống va chạm, tay co thủy lực,…

VHC image017
6 dạng tổ hợp bếp cơ bản của Blum

Có thể nói rằng từng centimet trong tủ đều được tận dụng tối đa với ngăn kéo chứa đồ giải pháp cấu tạo ray đặc biệt làm cho ngăn kéo có thể mở ra toàn phần tận dụng được những khoảng không trong cùng. Với mỗi chức năng khác nhau, chiều cao chiều rộng các ngăn kéo có thể được phân chia để chứa đựng tối đa các dụng cụ hoặc đồ dùng.

VHC image019
Các tấm ngăn chia tuỳ chỉnh kích cỡ khoang đựng đồ theo mục đích sử dụng

13840439_10207372623010152_1778357338_oGiá treo đa năng là một giải pháp độc quyền của SieMatic. Nó cho phép tận dụng thêm các không gian trong tủ và ngay ở mặt sau của cánh tủ, hơn nữa giá treo còn có ray lỗ để tăng cường khả năng linh hoạt của kích cỡ giá và làm tăng cứng, tăng khả năng chịu lực cho cánh.
Ngoài ra, các cấu tạo gioăng cao su ngăn ẩn cho các khoang tủ, đế cao su và chân tăng giảm ở đáy tủ. Vật liệu HDF cường độ cao được phủ melamin với công nghệ hàn khí các cạnh nối là những giải pháp hữu hiệu cho điều kiện môi trường có độ ẩm cao như Hà Nội. Mỗi bộ phận của tủ bếp đều có các giải pháp cụ thể với mục đích sử dụng tối đa không gian bên trong tủ và thuận tiện nhất cho người sử dụng. Lúc này, công việc thiết kế bếp chỉ đơn giản là tổ hợp các module đã có theo quy trình chức năng 5 khu vực phù hợp với hình dạng mặt bằng cụ thể. Ngay cả việc kích thước hiện trạng có thể lẻ (không là bội số của các module) thì nhà sản xuất cũng có sẵn các tấm ốp phụ đảm bảo thẩm mỹ và đồng bộ với toàn hệ thống.

Tiếp thu các kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp trong thiết kế không gian bếp từ Châu Âu các nhà thiết kế Việt Nam cũng cần bổ sung và kết hợp các yêu cầu đặc trưng liên quan tới nhân trắc học, khí hậu, văn hóa … để ứng dụng và làm cho “công nghệ nội thất nhà bếp Châu Âu” trở nên thích ứng với các điều kiện tại Việt Nam.

VHC image024
Các Module tủ cao chứa đồ khô (SieMatic)

 

VHC image026
Các Module tủ thấp chứa đồ (SieMatic)

 

VHC image028
Các Module tủ treo chứa đồ (SieMatic)

 

VHC image030
Hệ thống các loại Module tủ của SieMatic

Tài liệu tham khảo:

1. Joseph De Chiara, Julius Panero, Martin Zelnik (1994), “Time-Saver Standards For Interior Design and Space Planning” Vol.2, McGraw-Hill, Singapore.
2. Chris Grimley, Mimi Love (2013), “The Interior Design Reference + Specification Book”, Rockport Publishers, USA.

TS.KTS Vũ Hồng Cương-TCKT.VN

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11 -2015 )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *