5 sai lầm khi xây nhà ai cũng cần biết để tránh mất tiền oan trong năm 2024
Dưới đây là chia sẻ của ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Công ty Quản lý Dự án Nhà Của Mình về những lưu ý cho người đang có dự định xây nhà trong năm mới 2024, giúp chủ nhà tránh được những rủi ro không đáng có.
5 sai lầm khi xây nhà
Rủi ro liên quan đến pháp lý
Không ít người lâm vào rắc rối vì không tuân thủ các quy định xây dựng, dẫn đến việc phải tháo dỡ 1 phần ngôi nhà hoặc kém may mắn hơn là nhà đã xây xong nhưng không thể hoàn công được vì diện tích xây dựn g lớn hơn hoặc nhỏ hơn diện tích cấp phép hoặc đôi khi là di dời vị trí cầu thang,…
Thời gian thi công kéo dài
Nhà làm mãi không xong, một phần do thời tiết, một phần do nhà thầu không đủ nhân lực, máy móc do phải dàn trải ra quá nhiều công trình. Hoặc đơn giản là sau mỗi công việc chủ nhà không ưng nên cứ sửa đi sửa lại.
Xung đột giữa chủ nhà với nhà thầu
Xung đột giữa chủ nhà với nhà thầu hoặc giữa các nhà thầu trong dự án là ngọn nguồn của những căng thẳng và mâu thuẫn không hồi kết.
Có ngôi nhà tôi từng trực tiếp giám sát thi công. Ngôi nhà này công ty thiết kế kiêm luôn thi công, kiến trúc sư làm tới đâu vẽ tới đó rồi chỉ thợ làm hoặc có bản vẽ nhưng chỉ thể hiện tổng thể, thiếu nhiều chi tiết.
Có dự án thì vẽ to, đẹp nhưng ra thực tế lại rất nhỏ hoặc công năng sử dụng không hợp lý do chủ nhà không đọc được bản vẽ, không hình dung ra được ngay từ đầu.
Lúc thì nhóm thợ này đổ thừa nhóm thợ kia, nhà thầu phụ này chơi xấu nhà thầu phụ kia…
Chi phí liên tục phát sinh gây hoang mang
Đây hầu như là nỗi ám ảnh thường trực được chia sẻ của phần lớn chủ nhà sau khi kết thúc công trình.
Đơn cử một trường hợp của anh Thanh, một chủ nhà tại Hà Nội rơi vào trường hợp chi phí xây dựng tăng gấp 1,5 lần so với dự kiến ban đầu. Nguyên nhân chính một phần là do anh không lường trước được chi phí vật liệu tăng cộng thêm việc liên tục thay đổi thiết kế trong quá trình xây dựng, một phần bởi tin vào lời tư vấn của nhà thầu là người quen nên không kiểm tra kỹ lưỡng bảng báo giá, dự toán ngay từ đầu.
Chất lượng nhà kém, gây phát sinh chi phí bảo trì
Việc chủ nhà thiếu kinh nghiệm thường dẫn đến việc c họn nhầm nhà thầu hoặc lựa chọn vật liệu kém chất lượng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng ngôi nhà mà còn tốn thêm rất nhiều tiền sửa chữa, bảo trì về sau.
Nhiều ngôi nhà thực tế xây dựng xong không còn giống với bản thiết kế ban đầu. Lý do của việc này là vì nghe quá nhiều người góp ý kèm theo việc quản lý ngân sách không tốt dẫn đến công trình càng về cuối càng phát sinh nhiều dẫn đến chủ nhà có xu hướng tiết kiệm lại nên bỏ bớt các họa tiết trang trí và nội thất ngôi nhà.
Trường hợp cá biệt, có ngôi nhà thuê thiết kế kiến trúc là 1 công ty đến giai đoạn hoàn thiện lại thuê thiết kế nội thất là 1 công ty khác. Dẫn đến đơn vị vào sau thay đổi, chia không gian lại nên toàn bộ hệ thống điện nước phải làm lại, gạch nền cũng tháo ra làm lại gây nên lãng phí tiền của, thời gian và rất nhiều công sức.
Làm thế nào cho tốt hơn, tránh rủi ro?
Tốt nhất là tìm người có chuyên môn thật sự giúp mình khai vấn những điều mình thực sự muốn từ giai đoạn hình thành ý tưởng, thiết kế rồi đem những điều đó trao đổi với nhà thầu. Họ dựa trên đó báo giá + biện pháp để đạt được điều mình muốn. Vấn đề cốt lõi mà mọi người thực sự quan tâm không phải mắc hay rẻ mà là có đáng đồng tiền không?
Nhiều chủ nhà đặt câu hỏi “Nếu tư vấn giám sát (TVGS) hỗ trợ nhà thầu thì tại sao chủ nhà phải trả tiền cho TVGSt”. Cách làm đúng ở đây là 3 bên TVGS, chủ nhà và nhà thầu cần lập ra các tiêu chuẩn thi công, xác định rõ kỳ vọng, nhu cầu, ràng buộc chất lượng, tiến độ, ngân sách… của chủ nhà sau đó đơn vị TVGS có trách nhiệm đại diện chủ nhà đồng hành, hỗ trợ đơn vị thi công đạt được các mục tiêu chung đã thống nhất thay vì sát phạt nhà thầu bằng những tiêu chuẩn chung chung chưa thống nhất.
Khuyến nghị đơn vị thiết kế sử dụng công nghệ VR để chủ nhà không biết gì về xây dựng cũng có thể hình dung được không gian trước khi xây nhà. Bởi chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp chủ nhà đã thất vọng khi nhà xây lên quá khác với thiết kế.
Để chọn thầu thì quan tâm đến biện pháp đảm bảo chất lượng, biện pháp đảm bảo tiến độ, biện pháp đảm bảo không phát sinh. Chưa kể, còn hai vấn đề nữa mà mọi người ít lưu tâm là đảm bảo đúng về pháp lý, đảm bảo an toàn lao động.
cafef.vn