Năm 2016, thế giới chứng kiến những nghệ sĩ sáng tạo danh tiếng lần lượt giới thiệu những đứa con tinh thần của mình, với quy mô hoành tráng, trải dài nhiều lĩnh vực, chủ đề và chất liệu khác nhau. Từ chủ đề khỏa thân “Famous” của Kayne West, đến các tác phẩm đấu tranh vì những người tị nạn của Ai Weiwei, hãy cùng chiêm ngưỡng 10 triển lãm được đánh giá là nổi trội nhất năm 2016.
Xem thêm: Triển lãm Sáng tạo của sinh viên RMIT và đêm trao giải Sáng tạo
1. Mê cung chỉ đỏ “Cuộc hành trình vô định”, Chiharu Shiota tại Blain|Southern, Berlin
“Cuộc hành trình vô định” của Chiharu Shiota là một triển lãm lớn tại Blain|Sourthern, Berlin (Đức). Nghệ sĩ người Nhật này nổi tiếng với những tác phẩm xâu chuỗi tỉ mỉ, phức tạp và khéo léo, dệt nên từ những sợi vải, điển hình là tác phẩm “Chìa khóa trong lòng bàn tay”, ra mắt tại triển lãm Biennale (Venice) năm ngoái. Điểm nhấn của “Cuộc hành trình vô định” là chất đỏ rực đập thẳng vào thị giác, chiếm trọn không gian gallery. Khu trung tâm của Blain|Southern được lấp đầy bởi những sợi chỉ đỏ trông như mọc lên từ trần nhà và phủ kín những bức tường. Sau khi vươn kín không gian, tấm lưới mê cung chằng chịt này hội tụ tại một con thuyền được điêu khắc trên sàn gallery.
2. Triển lãm khỏa thân “Famous”, Kayne West tại Blum & Poe Gallery, Los Angeles
Video “Famous” của Kayne West đã trở thành một hiện tượng gây tranh cãi, có rất nhiều quan điểm tranh luận khác biệt xung quanh video này. Sự mô phỏng trắng trợn của 12 ngôi sao nổi tiếng, nằm trần trụi trên giường vừa nhận được lời khen ngợi vì tầm nhìn nghệ thuật, nhưng cũng phải hứng chịu không ít chỉ trích vì tính thách thức và nội dung quá mức táo bạo. “Famous” mở cửa giới hạn tại gallery Blum & Poe và kéo dài trong hai ngày 26-27/08/2016. Bạn có thể chiêm ngưỡng bức tượng điêu khắc bán khỏa thân của Taylor Swift, Kim Kardashian, Donald Trump, George W. Bush, Rihanna, Bill Cosby và chính Kayne West.
3. Sự trở lại của Maurizio Cattelan “Không run sợ trước tình yêu” tại Monnaie de Paris, Paris
Sau 5 năm “ẩn cư”, Maurizio Cattelan đã đánh dấu sự trở lại giới nghệ thuật của mình bằng triển lãm quy mô lớn nhất châu Âu từ trước đến giờ của anh, diễn ra tại Monnaie de Paris. “Không run sợ trước tình yêu” biến từng tác phẩm thành một nhân vật tham gia trò chuyện, tương tác với nhau, tất cả cùng vẽ nên một cái nhìn cách tân đa chiều. Triển lãm diễn ra trong một dinh thự kiến trúc tân cổ điển thế kỉ 18, mỗi công trình sáng tạo được dàn dựng như một đoạn hành trình ngắn, cùng nhau kể lại câu chuyện sự nghiệp nghệ thuật của Cattelan.
4. “Khu vườn của những tiếng thì thầm”, Hans op de Beck, Toulouse
Bên trong nhà thờ gothic của phái Jacobins tại Toulouse (Pháp), nghệ sĩ Hans op de Beck đã dàn dựng một cuộc triển lãm tương tác, dẫn lối người tham quan xuyên qua “Khu vườn của những tiếng thì thầm”. Op de Beck lắp ráp một con đường bằng gỗ tạm bợ, đi qua một dinh thự thế kỉ 13 sừng sững, luồn lách giữa những đụn cát lớn, những khúc cây trần trụi, những sợi ánh sáng mảnh dẻ, những khu cắm trại. Được điêu khắc tại chỗ, cuộc triển lãm là một khuôn viên dẫn dắt xúc cảm, nơi mà nội tâm ta trải nghiệm được những thăng trầm, phản chiếu qua cảnh vật xung quanh ta.
5. Triển lãm digital art lớn nhất của Teamlab, Tokyo
Năm nay, Teamlab (Nhật Bản) đã cho ra đời triển lãm digital art lớn nhất từ trước đến nay của mình. 3.000 mét vuông không gian tại Tokyo đã được xây dựng như một mê cung của những trải nghiệm ảo, nơi du khách đắm mình trong một chuỗi các tác phẩm nghệ thuật tương tác. Những tác phẩm mới ra đời hoặc đã từng triển lãm trước đây, nay đều được phóng to với tỉ lệ khổng lồ, mời gọi ta đi vào một thế giới của kính vạn hoa, với những xúc cảm đa chiều từ màu sắc và ánh sáng. Ta sẽ trải nghiệm những công trình nghệ thuật có tên trừu tượng và nên thơ, như: “Lang thang giữa vũ trụ pha lê”, “Trôi nổi như một bông hoa rơi”, “Vẽ lên bề mặt nước, tạo dựng từ những vũ điệu của cá chép và con người tại vô cực”.
6. Công trình điêu khắc trong không gian, Olafur Eliasson tại Cung điện Versailles, Versailles
Trong 8 năm vừa qua, cung điện Versailles (Pháp) đã chứng kiến một loạt những triển lãm nghệ thuật, nơi những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới – thông qua các tác phẩm của mình – đã trò chuyện với công trình kiến trúc lịch sử này. Mùa hè năm nay, Olafur Eliasson đã mang đến một chuỗi những yếu tố không gian đến với Versailles – từ thác nước, sương mù đến gương và ánh sáng – được dựng quanh những khu vườn và nội thất lâu đài. Eliasson phát biểu, “Lâu đài Versailles trong mơ của tôi là nơi đánh thức sự mạnh mẽ trong mỗi người. Nó cổ vũ người tham quan tự tạo nên cảm nhận và trải nghiệm của chính mình, thay vì chỉ chấp nhận ảnh hưởng một chiều và bị lóa mắt bởi sự hùng vĩ của Versailles. Mọi người phải thực sự sử dụng các giác quan, nắm lấy những điều bất ngờ, bước nhẹ nhàng qua khu vườn, cảm nhận khung cảnh xung đang đổi thay trước mắt họ”.
7. Triển lãm trang phục khu trại tị nạn “Tiệm giặt là”, Ai Weiwei, New York
Những nỗ lực và hoạt động của Ai Weiwei liên quan đến khủng hoảng người tị nạn toàn cầu đã tiến đến một cột mốc quan trọng với sự ra mắt của triển lãm “Tiệm giặt là” tại New York (Mỹ). Triển lãm trưng bày hàng ngàn bộ trang phục được thu thập từ các trại tị nạn không chính thống tại Idomeni, một ngôi làng nhỏ nằm giữa miền Nam Hy Lạp và biên giới Cộng hòa Macedonia. Đỉnh điểm vào mùa xuân 2016, lên đến 15.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em – chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan hay Iraq – đã sống hàng tuần trong một điều kiện tàn khốc, khan hiếm thực phẩm và điều kiện vệ sinh thiếu thốn. Vào tháng 05/2016, trại Idomeni đóng cửa, bỏ mặc số phận của hàng ngàn người tị nạn. Vì vội vã tìm kiếm nơi trú ẩn mới, họ đã phải bỏ lại phần lớn trang phục, giày dép, kỉ vật cá nhân và ảnh chụp. Ai Weiwei đã thu thập, làm sạch, sắp xếp và trưng bày chúng tại New York, như là một minh chứng hùng hồn và sâu sắc cho tình trạng khó khăn của con người trong thời điểm biến động. Thông qua công trình của mình, Weiwei đã trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong phong trào đấu tranh vì quyền con người.
8. “Những đế quốc”, Huang Yong Ping tại Grand Palais Paris, Paris
Bên dưới những mái vòm bằng kính với kích thức 13.000 mét vuông của Grand Palais Paris, Huang Yong Ping đã tạo dựng một triển lãm tương tác quy mô lớn. “Những đế quốc” được tổ chức bởi Réunion des Musées Nationaux và Bộ Truyền thông Văn hóa Pháp, với mục đích mô phỏng nền kinh tế ngày nay. Huang Yong Ping sử dụng kiến trúc thời đại công nghiệp hóa của Grand Palaise để biểu trưng cho sức mạnh kinh tế chính trị, sự trỗi dậy của những vùng lãnh thổ mới, sự suy tàn của các đế quốc cổ đại và sự xuất hiện được dự báo trước của các ứng cử viên mới cho quyền lực.
9. “Nghi ngờ”, Carsten Holler, Hangarbicocca, Milan
Triển lãm solo “Nghi ngờ” của Carsten Holler bao gồm hơn 20 tác phẩm, mời gọi người tham quan đến tương tác và hòa làm một, xóa mờ lằn ranh giữa người xem và người biểu diễn. Phong cách nghệ thuật của Holler xoay quanh công cuộc tìm kiếm một cách thức mới để sinh sống trên thế giới này. Anh khẳng định, “Một số tác phẩm trong cuộc triển lãm sinh ra để mang đến cho bạn một cơ hội tạo ra những trải nghiệm, thậm chí là tình cảm mới, giúp bạn một bước gần hơn với một cái gì đó hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của chính bạn”.
10. Tái tạo những kiệt tác cổ điển, Liu Bolin tại Klein Sun Gallery
Đối với các “Art hacker”, Liu Bolin đã tạo nên một bước nhảy mạnh mẽ đến gần hơn với thế giới ảo, chính là một triển lãm solo tại Klein Sun Gallery từ ngày 17/11 đến 23/12/2016. Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới người Trung Quốc này, được biết đến rộng rãi như “Người đàn ông vô hình” nhờ vào những tác phẩm nghệ thuật cơ thể ngụy trang, nay đã “tái tạo” hai kiệt tác nghệ thuật cổ điển – “Mona Lisa” của Da Vinci và “Guernica” của Picasso. Ẩn giấu trong hai tác phẩm này là bức tranh mô tả vụ nổ có sức công phá khổng lồ của Thiên Tân tại trạm lưu trữ container năm 2015. Bolin đã khéo léo tái tạo lại ba nét bút khác biệt, sử dụng con người như vải vẽ, phối hợp cùng sự ngụy trang phức tạp và chính xác đến từng li.
Theo Designs
(Biên dịch từ Designboom)